Triển lãm ảnh “10 năm – Vì Tình yêu Hà Nội”

Triển lãm trưng bày 50 bức ảnh là sáng tác hoặc sưu tầm của 5 tác giả từng được đề cử hoặc đoạt giải thưởng trong 10 năm qua. Ba trong năm tác giả có tác phẩm tại triển lãm là những cố nhân của giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội. Đó là các nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, Quang Phùng,  là nhà dân tộc học Đinh Trọng Hiếu- người đã cùng với nhà sử học Pháp Emmanuel Poisson có công sưu tầm, triển lãm ảnh “Hà Nội sắc màu 1914 – 1917”. Hai cái tên còn lại là những đề cử của mùa giải thứ 10 này: các nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo và Loes Herrink.

Không gian triển lãm trên Phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Tiến Dũng
 
Triển lãm thu hút nhiều  khách du lịch trên Phố đi bộ. Ảnh Tiến Dũng
 
Hai lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng và Quang Phùng hội ngộ tại Triển lãm.
Ảnh:Thethaovanhoa.vn

Quả thực, như một cơ duyên, rất nhiều trong số 50 bức ảnh của triển lãm là câu chuyện về Hồ Gươm, về phố cổ. Đó là một Hồ Gươm đầu thế kỷ XX biếc xanh với nắng vàng, với những con đường đất đỏ nâu của nhà nhiếp ảnh Pháp Leon Busy (được nhà dân tộc học Đinh Trọng Hiếu sưu tập và bình chú). Là những sinh hoạt hồn nhiên và chất phác trong phố cổ, được tác giả Lê Vượng chụp từ thập niên 1970. Là góc nhìn độc đáo về những gánh hàng hoa và hàng rong ở các con phố nhỏ quanh Hồ Gươm của nhiếp ảnh gia Quang Phùng và Loes Herrink…
“Nhiều năm cầm máy quanh Hồ Gươm, vậy nhưng tôi vẫn thấy bồi hồi và xúc động khi những bức ảnh của mình hiện diện ở đây hôm nay” – nhà nhiếp ảnh Quang Phùng chia sẻ với Thể thao &Văn hóa – “Rất nhiều trong số đó là những bức ảnh chụp các gánh hàng hoa trên xe đạp. Với tôi, đó là một vẻ đẹp bình dị của người Hà Nội, giữa nhịp sống tấp nập bây giờ”.

Cầu Thê Húc trong sương sớm. Ảnh Lê Vượng
 
Hàng hoa Hà Nội. Ảnh: Quang Phùng

Sáng mùng 1 Tết (2004). Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo
 
Nắng chiều (1979). Ảnh: Đinh Trọng Hiếu
 

“Mười năm qua, tôi vẫn theo dõi giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội. Với tôi, đó là giải thưởng có tính nhân văn đa chiều và khái quát được cả phần nổi và phần chìm của những tấm lòng hướng về Hà Nội”- tác giả Nguyễn Hữu Bảo phát biểu. “Ngoài niềm vui của một tác giả được đề cử năm nay, tôi còn có thêm niềm vui khi được tham gia triển lãm này, với 2 cây đại thụ của làng nhiếp ảnh là các cụ Quang Phùng và Lê Vượng”.
Từ Hà Lan, nữ nhiếp ảnh gia Loes Herrink hào hứng với việc tham gia triển lãm và gửi về hơn chục bức ảnh hàng rong. Cô chia sẻ: “Lần đầu đến Việt Nam tôi đã bị thu hút bởi những người bán hàng rong với chiếc xe đạp đầy màu sắc của họ. Ở Hà Lan chúng tôi sử dụng xe đạp rất nhiều nhưng chưa bao giờ chở nhiều thứ như vậy trên một chiếc xe duy nhất. Tôi thích cái cách họ “tô màu” cho thành phố này, và đối với tôi đó là chất liệu đẹp nhất của Hà Nội”.

Hàng rong. Ảnh: Loes Heerink

Cho đến năm nay, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội đã tôn vinh 8 nhân vật bằng Giải thưởng Lớn, cùng khoảng 30 giải tác phẩm, ý tưởng, việc làm, và hơn 50 đề cử khác nhau…Phố đi bộ Hà Nội, nơi tổ chức Triển lãm, cũng chính là một đề cử nặng cân của hạng mục Việc làm trong Giải thưởng năm nay. Có nghĩa, từ tác giả, tác phẩm cho tới không gian, tất cả những gì thuộc về Triển lãm đều gắn với những tấm lòng hướng về Hà Nội. Và gắn với cái tên Bùi Xuân Phái
Thời gian triển lãm diễn ra từ tối ngày 11/8 đến ngày 13/8 tại sảnh Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm, phố đi bộ Hồ Gươm. Tiếp đó, triển lãm sẽ được chuyển về Trung tâm Thông tấn Quốc gia số 5 Lý Thường Kiệt – Hà Nội
 

Tiến Dũng/theo Thethaovanhoa.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.